Những điều về Ethereum có thể bạn chưa biết!

Ethereum là gì?

Ethereum là nền tảng điện toán phân tán, mã nguồn mở dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) có khả năng thực thi hợp đồng thông minh (Smart Contract) – tức là điều khoản được ghi trong hợp đồng sẽ được thực thi một cách tự động khi các điều kiện trước đó được thỏa mãn, không ai có thể can thiệp vào. Đồng thời, Ethereum cũng cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng phi tập trung (DApps) và các tổ chức tự trị phi tập trung (DAOs). Trong đó:

  • Các ứng dụng phi tập trung (DApps – Decentralized Application) là các phần mềm được triển khai độc lập, không nằm trên một máy chủ duy nhất mà được lưu trữ một cách phân tán trên các kho lưu trữ phi tập trung và có thể được viết bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.
  • Các tổ chức tự trị phi tập trung (DAOs – Decentralized Autonomous Organizations) là một tổ chức được vận hành bởi các thành viên dựa trên một bộ quy tắc được mã hóa bằng code. Tất cả các thành viên đều có quyền biểu quyết các quyết định quan trọng của DAOs. Đổi lại, các thành viên tham gia DAOs phải có phần thưởng khi tham gia vận hành DAOs

Lịch sử Ethereum

Ý tưởng ra đời với Mastercoin

Vào tháng 10 năm 2013, Vitalik Buterin là một lập trình viên trẻ và đam mê Bitcoin đã đề xuất một giải pháp cải tiến cho dự án Mastercoin (nay là OmniLayer).

Trong bản đề xuất đó, Vitalik đã đưa ra giải pháp cho phép MasterCoin có thể hỗ trợ được nhiều loại hợp đồng hơn mà không cần phải thêm các tính năng phức tạp.

Mặc dù đội ngũ phát triển Mastercoin rất ấn tượng với bản đề xuất của Vitalik nhưng họ đã không áp dụng giải pháp đó vào dự án của họ.

Vitalik Buterin – cha đẻ của Ethereum

Khởi đầu của Ethereum

Sau khi MasterCoin không áp dụng giải pháp của mình, Vitalik đã tiếp tục nghiên cứu và nhận ra rằng: Các smart contract có thể được khái quát hóa hoàn toàn.

Vào tháng 11/2013, Vitalik lần đầu tiên chia sẻ bản whitepaper phác thảo của Ethereum. Chỉ có vài chục người có quyền truy cập và đọc trước bản phác thảo này. Sau đó họ đưa ra những phản hồi, giúp cho Vitalik có thể hoàn thiện bản whitepaper cho Ethereum.

Kể từ khi chia sẻ bản whitepaper, Vitalik đã có thêm một người đồng đội cùng tham gia xây dựng Ethereum và người đó chính là: Gavin Wood. Gavin Wood là người đầu tiên chủ động liên lạc với Vitalik và đề nghị giúp đỡ bằng kỹ năng lập trình C++ của mình.

Vào mùa hè năm 2014, Gavin Wood công bố yellow paper cho Ethereum. Cũng trong thời gian này, Vitalik cũng ra thông báo rằng Ethereum sẽ được phát triển bởi tổ chức phi lợi nhuận Ethereum Foundation.

Sau một năm xây dựng và phát triển, vào tháng 06/2015 khối (block) đầu tiên của Ethereum đã được khai thác. Nó đánh dấu sự hình thành chính thức của Ethereum Blockchain – Một trong những chuỗi khối có tầm quan trọng nhất trong toàn bộ hệ sinh thái tiền điện tử hiện nay.

Sự cố The DAO Hack

Ethereum hoạt động được tầm 1 năm đã bắt đầu hình thành nên hệ sinh thái cho mình. Trong đó, không thể không nhắc đến dự án The DAO – một quỹ đầu tư theo mô hình tự trị phi tập trung đầu tiên được xây dựng trên Ethereum.

The DAO được thành lập và tiến hành gọi vốn vào tháng 05/2016 với tổng giá trị lên đến 150 triệu đô. Nhưng sau 1 tháng, The DAO đã gặp phải một sự cố cực kỳ nghiêm trọng đến nỗi khiến cho chuỗi khối Ethereum bị chia tách sau này. Sự cố đó mang tên: The DAO Hack.

Vào ngày 17/06/2016, một hacker đã kích hoạt lỗ hổng chia tách (split function) trong mã code của The DAO smart contract. Nó cho phép hacker thành lập một “child DAO” từ The DAO và chuyển đi khoảng 50 triệu đô vào ví của “child DAO“.

Trong smart contract của The DAO quy định rằng: Số tiền trong ví sẽ phải bị khoá 28 ngày trước khi chủ sở hữu ví chính thức có quyền sử dụng.

Vì được chia tách từ The DAO nên “child DAO” sẽ có cùng cấu trúc smart contract với The DAO. Do vậy, 50 triệu đô trong ví của “child DAO” phải chờ 28 ngày trước khi hacker có toàn quyền sử dụng số tài sản này.

Sự cố The DAO Hack với khoảng thiệt hại lên đến 50 triệu đô

Đứng trước tình cảnh đó, Vitalik không thể đứng nhìn hình ảnh Ethereum xấu đi trong mắt của cộng đồng. Vitalik đã có giải pháp thông qua bản đề xuất soft fork, ngăn chặn tất cả các giao dịch từ địa chỉ ví của The DAO và “child DAO“. Đồng thời kêu gọi các thợ đào (miners) vẫn xác nhận giao dịch như bình thường và sẵn sàng cài đặt khi bản soft fork được thông qua.

Việc cập nhật bản soft fork đã làm cho hacker không thể rút tiền sau 28 ngày chờ đợi. Giai đoạn 1 đã hoàn thành bằng cách đóng băng số tiền trong ví của “child DAO“. Vậy thì làm thế nào để lấy lại tiền từ ví “child DAO“?

Hard Fork Ethereum

Trước khi bản soft fork được thông qua vài tiếng, một vài thành viên trong cộng đồng đã phát hiện một lỗi khiến cho mạng lưới của Ethereum đối mặt với nguy cơ bị tấn công DoS (tấn công dịch vụ).

Để bảo vệ mạng lưới, cộng đồng Ethereum đã đồng ý với lựa chọn duy nhất là: The Hard Fork Ethereum – thay đổi các quy tắc, luật lệ đang được áp dụng trên chuỗi khối của Ethereum khiến cho các khối (block), giao dịch được xác nhận bởi quy tắc cũ trở nên không hợp lệ.

Hard fork chính là phương án cuối cùng để vừa có thể lấy lại được khoảng tiền bị lấy cắp ở “child DAO”, vừa giúp cho mạng lưới Ethereum tránh khỏi nguy cơ bị tấn công DoS. Cả cộng đồng Ethereum đã quyết định tiến hành hard fork tại khối 1,920,000. Đây là khối block trước khi “child DAO” tách ra khỏi The DAO.

Mặc dù lấy lại được số tiền bị mất nhưng hệ quả của việc hard fork đã khiến cho mạng lưới của Ethereum đã chia làm hai – Ethereum và Ethereum Classic.

Cách hoạt động của Ethereum Blockchain

Trước khi hiểu về Ethereum, anh em cần phải hiểu về cách Blockchain hoạt động như thế nào.

Về cơ bản, Blockchain của Ethereum cũng tương tự như các Blockchain khác, nó được cấu thành bởi mạng lưới các máy tính hay còn gọi là Nodes.

Để tham gia vào mạng lưới, các nodes cần cài đặt phần mềm Ethereum Client như Geth, Parity,…

Khi cài đặt Ethereum Client, đồng nghĩa với việc các nodes sẽ phải chạy một chương trình máy ảo là Ethereum Virtual Machine (EVM). EVM sẽ chịu trách nhiệm thực thi các Smart Contract (hợp đồng thông minh).

Khi các nhà phát triển muốn xây dựng ứng dụng phi tập trung (dapps) trên Ethereum, họ cần phải triển khai các smart contract thông qua ngôn ngữ lập trình Solidity.

Cách hoạt động của Máy ảo Ethereum (EVM) trên Ethereum Blockchain

 

Và để kích hoạt việc thực thi các hoạt động như smart contract, lệnh giao dịch… mạng lưới cần đến một lượng phí gọi là “Gas”Phí Gas trong mạng Ethereum sẽ được thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số gọi là Ether (Ξ hay ETH).

Khi giao dịch được thực thi, đây là lúc cần đến việc xác nhận giao dịch đó có hợp lệ hay không. Trong mạng của Ethereum, thành phần đảm nhiệm việc xác nhận giao dịch này có tên – Miner Node.

Để mạng lưới vận hành độc lập, nhất quán các miner nodes phải tuân theo luật đồng thuận là Consensus (hay còn gọi là cơ chế đồng thuận)Ethereum sử dụng cơ chế đồng thuận tên là Proof of Work (PoW – bằng chứng công việc), tức là các miner nodes phải chứng minh được công việc họ đã hoàn thành và thông báo đến toàn mạng lưới. Sau đó, các miner nodes khác trong mạng lưới sẽ xác nhận xem bằng chứng này là có hợp lệ hay không. Công việc ở đây có thể là:

  • Tạo ra block mới bằng cách tìm ra lời giải thông qua thuật toán – Ethash.
  • Xác nhận giao dịch trên mạng lưới.

Khi bằng chứng được thông qua (tức hợp lệ), dữ liệu giao dịch sẽ được ghi vào Blockchain của Ethereum và không thể thay đổi.

Thông tin chi tiết về ETH coin

ETH là gì?

ETH hay Ether (ký hiệu: Ξ) là đồng tiền điện tử chính thức của chuỗi khối Ethereum. Trong mạng lưới của Ethereum, ETH có vai trò như nhiên liệu để thực thi các hoạt động liên quan đến giao dịch (phí Gas).

Anh em cứ nghĩ đơn giản: Chuỗi khối Ethereum như một cỗ máy. Cỗ máy muốn vận hành trơn tru được thì phải cần đến nhiên liệu là “ETH”.

Tỷ giá ETH

 

Cập nhật giá ETH (26-09-2021)

Các chỉ số chính của ETH

  • Token Name: Ethereum.
  • Ticker: ETH.
  • Blockchain: Ethereum.
  • Token Standard: ERC-20.
  • Type: Utility.
  • Max Supply: Không giới hạn.
  • Circulating Supply: 116,569,797 ETH.

Phân phối ban đầu

Như chúng tôi nói ở trên, đội ngũ phát triển đã pre-mine hơn 72 triệu ETH và phân bổ như sau:

  • Ethereum Dev Team nắm giữ 12 triệu ETH.
  • Phần còn lại sẽ bán cho nhà đầu tư thông qua ICO.
Biểu đồ thể hiện Supply của ETH. Nguồn: https://etherscan.io/stat/supply

Bán token

Quá trình bán ETH coin của Ethereum trải qua 42 ngày với mức giá khác nhau theo từng thời điểm:

  • Giá khởi đầu được quy định 1 BTC mua được 2000 ETH.
  • Đến cuối cùng thì 1 BTC chỉ còn mua được 1337 ETH.
Biểu đồ thể hiện lượng ETH được bán ra từng ngày. Nguồn: https://slacknation.github.io/medium/001/

Kết quả sau các vòng bán, Ethereum bán ra gần 60 triệu ETH thu về hơn 31.5 nghìn Bitcoin (BTC), với giá trị tương đương 18 triệu đô lúc bấy giờ.

Các trường hợp sử dụng

Đồng ETH sẽ được sử dụng với các mục đích sau:

Phí Gas: Giống như BTC, ETH được dùng để thanh toán phí Gas trong mạng lưới của Ethereum. Mức phí này không cố định mà nó tuỳ thuộc vào tình trạng mạng lưới của Ethereum. Nếu mạng lưới đang quá tải thì phí Gas sẽ tăng và ngược lại. Tuy nhiên, phí Gas ở mức bình thường khá rẻ, chỉ có khoảng $0.2 – $0.7 rẻ hơn phí giao dịch của Bitcoin rất nhiều.

Minh họa thời gian xác nhận và phí Gas trên Ethereum ngày 26-09-2021 (theo https://etherscan.io/gastracker)

Tuy nhiên, vào khoảng cuối năm 2020, do trào lưu UniswapYield farming nở rộ, nhà nhà bắt đầu sử dụng các dịch vụ trên Ethereum rất nhiều, dẫn đến phí gas tăng lên rất cao, trung bình khoảng $20 – $30 cho một giao dịch.

Sau đó, đến đầu năm 2021, bắt đầu xảy ra vấn nạn MEV – khi các thợ đào (miner) bắt đầu lợi dụng quyền hạn của mình để ưu tiên chọn những giao dịch chịu trả mức phí cao hơn, chứ không theo thứ tự ưu tiên ai đến sẽ trước được xử lý giao dịch trước, do đó bắt đầu xuất hiện các bot thi nhau trả gas cao hơn để được quyền đưa giao dịch vào block. Điều này một lần nữa đẩy gas lên rất cao, trung bình một giao dịch tốn $50-$60, đỉnh điểm có thể lên vài trăm đô.

Nhưng sau đó, có các biện pháp giải quyết MEV ra đời, giúp cho gas giảm trở về khá rẻ.

Phí khác: ETH dùng làm phí trả cho các dịch vụ khác.

Phần thưởng khối: Ethereum sử dụng luật đồng thuận Proof of Work (PoW) vì thế phần thưởng khối trong mạng lưới của Ethereum là ETH. Ban đầu phần thưởng khối này là 5 ETH. Qua nhiều lần nâng cấp mạng lưới, phần thưởng khối hiện tại của Ethereum đang ở mức 2 ETH cho mỗi block.

Các chuẩn Token của Ethereum (Token Standard)

ERC (Ethereum Request for Comments) là các bộ quy tắc cần thiết để triển khai token trên mạng lưới của Ethereum. Các bộ tiêu chuẩn này được sử dụng bởi các nhà phát triển để triển khai các hợp đồng thông minh trên nền tảng Blockchain của Ethereum.

Trước khi trở thành tiêu chuẩn được áp dụng trên chuỗi khối Ethereum, ERC phải được sửa đổi, nhận xét và chấp nhận bởi cộng đồng thông qua EIP (Ethereum Improvement Proposal) hay còn gọi là bản đề xuất cải tiến Ethereum.

ERC20 là gì?

ERC20 là bộ danh sách các quy tắc, quy định chung dành cho việc phát hành các token trên nền tảng Ethereum, được Vitalik Buterin đề xuất lần đầu tiên vào tháng 06/2015.

Sự ra đời của tiêu chuẩn ERC20 đã giúp cho các nhà phát triển có một chuẩn chung khi triển khai các Fungible Token trên nền tảng Ethereum. Đồng thời, ERC20 khiến cho việc tạo một token trên chuỗi khối của Ethereum dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều đó, kết hợp với sự bùng nổ của phong trào gọi vốn ICO vào năm 2017.

Dưới đây là bộ quy tắc của ERC20, với 6 quy định bắt buộc và 3 quy định không bắt buộc.

6 quy tắc bắt buộc, gồm:

  • totalSupply: Tổng số mã token được phát hành.
  • balanceOf: Kiểm tra số dư token trong mỗi ví Ethereum.
  • transfer: Chức năng này sẽ quản lý việc chuyển token vào địa chỉ ví người dùng.
  • transferFrom: Cho phép người nắm giữ token có thể trao đổi với nhau.
  • approve: Kiểm tra từng giao dịch và so sánh với tổng nguồn cung để đảm bảo không thiếu hoặc thừa token.
  • allowance: Kiểm tra số dư token nhằm biết địa chỉ ví có đủ token để chuyển hay không.

3 quy tắc không bắt buộc, gồm:

  • Token Name: Tên token.
  • Symbol: Mã token.
  • Decimal (up to 18): Số thập phân nhỏ nhất.

Để kiểm tra thông tin các quy tắc cơ bản của một token cụ thể theo ERC20. Anh em làm theo các bước sau:

  • Truy cập vào Etherscan, tìm mã token mà mình muốn xem.
  • Sau đó bấm sang tab Read Contract, tại đây anh em sẽ thấy đầy đủ thông tin bắt buộc của token đó.

Ví dụ như hình bên dưới là Konomi (KONO):

Các quy tắc cơ bản của KONO

ERC721 là gì?

ERC721 là bộ tiêu chuẩn dành cho việc phát hành các Non-Fungible Token (NFTs) trên nền tảng của Ethereum, được William Entriken, Dieter Shirley, Jacob Evans và Nastassia Sachs đề xuất vào tháng 01/2018.

NFT (viết tắt của Non-Fungible Token) được hiểu là một loại token đại diện cho một thứ gì đó độc nhất. Vì vậy, một NFT này không thể hoán đổi, thay thế bởi một NFT khác. Ví dụ: Một token đại diện cho vé xem phim Spiderman không thể hoán đổi với một token đại diện cho vé xem phim Avenger được.

Nhờ có tiêu chuẩn ERC721, các nhà phát triển trên Ethereum đã mở ra một hệ sinh thái mới về các dapps sử dụng các NFTs. Với cú HIT đầu tiên không thể không nói đến đó là CryptoKitties, một DApps nuôi mèo trên nền tảng Ethereum đã gây sốt trong cộng đồng tiền điện tử 1 thời gian dài.

CryptoKitties – DApp nuôi mèo trên nền tảng Ethereum theo chuẩn ERC721

Một số tiêu chuẩn ERC khác

Ngoài ERC20 và ERC721, Ethereum còn có 2 tiêu chuẩn token khác mà mình nghĩ anh em cũng nên biết đến, bao gồm:

  • ERC777: Tiêu chuẩn cải thiện các vấn đề của ERC20 gặp phải và nó đang được kỳ vọng sẽ soán ngôi của ERC20 bởi tính ưu việt của nó.
  • ERC1155: Tiêu chuẩn dành cho nhiều loại token gồm Non-Fungible Token và Fungible Token. Đây là sự kết hợp giữa tiêu chuẩn ERC20 và ERC721, do CTO của dự án Enjin Coin đề xuất lên cộng đồng Ethereum vào tháng 06/2018

So sánh Ethereum vs. Bitcoin

Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa Ethereum và Bitcoin là tầm nhìn của 2 Blockchain này.

Trong khi Bitcoin được thành lập với tầm nhìn trở thành hệ thống thanh toán ngang hàng (Peer-to-Peer), thì Ethereum lại có tầm nhìn trở thành nền tảng giúp cho việc phát triển Dapps trở nên dễ dàng hơn.

Bảng so sánh sự khác nhau giữa Bitcoin vs Ethereum

Ngoài ra, như đã thấy trên bảng so sánh, về mặt kỹ thuật (technical) Ethereum và Bitcoin còn có một số điểm khác nhau như:

  • Tổng cung: Trong khi tổng cung của Bitcoin cố định là 21 triệu BTC, thì Ethereum lại không cố định tổng cung.
  • Thuật toán: Mặc dù giống nhau về cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW), nhưng Ethereum sử dụng thuật toán Ethash, khác với Bitcoin (SHA-56).
  • Transaction per seconds: Tốc độ giao dịch của Bitcoin chỉ đạt khoảng 7 TPS/giây, con số này của Ethereum rơi vào khoảng 20-25 TPS/giây, gấp gần 3 lần so với Bitcoin.
  • Cách thức xuất hiện lần đầu tiên: Bitcoin đầu tiên xuất hiện sau khi Satoshi Nakamoto khai thác khối block đầu tiên (Genesis Block) của chuỗi khối Bitcoin. Trong khi đó, Ethereum xuất hiện thông qua hoạt động gọi vốn ICO sau khi pre-mine (đào trước) gần 72 triệu ETH.
  • Người tạo lập: Nhà sáng lập của Bitcoin là Satoshi Nakamoto, một cá nhân hoặc tổ chức ẩn danh. Còn nhà sáng lập của Ethereum là Vitalik Buterin, một lập trình viên người Canada (định danh).

Các tổ chức của Ethereum

Đây là các tổ chức có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái của Ethereum phát triển. Trong đó, gồm 3 tổ chức sau:

  • Ethereum Foundation: Đây là tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm phát triển các tính năng của Blockchain Ethereum. Nó được thành lập vào năm 2014 và có trụ sở hoạt động tại Thuỵ Sĩ.
  • Enterprise Ethereum Alliance: Đây là tổ chức sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy, mở rộng việc sử dụng công nghệ chuỗi khối Ethereum cho TẤT CẢ các doanh nghiệp.
  • Consensys: Đây là công ty có tầm quan trọng đối với Ethereum nói riêng và Crypto nói chung. Đối với Ethereum, Consensys giống như nơi ương mầm cho các dự án chạy trên nền tảng của Ethereum.

Có nên đầu tư Ethereum (ETH) không?

Để trả lời cho câu hỏi triệu đô này. Anh em cùng mình đi phân tích những trường hợp sử dụng có thể ảnh hưởng đến giá của ETH. Từ đó, anh em sẽ có cái nhìn, đánh giá về ETH trước khi xuống tiền đầu tư vào nó.

Phí giao dịch

ETH được dùng để trả phí giao dịch trong mạng lưới của Ethereum. Phí giao dịch sẽ thuộc vào các thợ mỏ khai thác ETH trong mạng lưới Ethereum. Để tổng lượng phí giao dịch tăng thì lượng giao dịch phải tăng, và điều này được thể hiện qua xu hướng của số lượng Dapps phát triển trên nền tảng của Ethereum.

Nhưng, cho dù tổng phí giao dịch tăng mạnh cũng không thật sự ảnh hưởng đến giá của một dự án có giá trị hàng chục tỷ đô. Thật sự quá chênh lệch, khi mỗi ngày tổng phí trong mạng của Ethereum khoảng 64 nghìn đô, trong khi tổng giá trị của ETH lên đến 16 tỷ đô.

Đấy là chưa kể trường hợp thợ mỏ sẽ bán phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động khai thác ETH của họ.

Phần thưởng khối

ETH là phần thưởng khối trong mạng Ethereum. Đây chính là điều khiến cho nhiều người tham gia khai thác ETH sẽ làm tăng hashrate, dẫn đến mạng lưới Ethereum được đảm bảo an toàn.

Phần thưởng hiện tại của Ethereum là 2 ETH/block. Ước tính năm 2020 sẽ có khoảng 4.8 triệu ETH được khai thác. Sau khi khai thác được ETH, các thợ mỏ sẽ phải bán ETH ra thị trường để thanh toán các chi phí hoạt động như điện, chi phí bảo trì máy, lương nhân viên,…

Như vậy, anh em thấy việc khai thác ETH là một trường hợp khiến cho nguồn cung ETH lưu thông trên thị trường tăng lên khoảng 4.8% vào năm 2020.

Bối cảnh hiện tại

Năm 2021 là một năm đánh dấu việc được chấp nhận của Crypto với thế giới, khi bắt đầu có quốc gia chấp nhận thanh toán bằng BTC. Chưa dừng lại đó, các quỹ thi nhau mua Crypto làm tài sản đầu tư, có thể kể đến như Microstrategy, Grayscale,… Và ETH cũng là một ưu tiên hàng đầu của họ. Nên đây cũng là một cơ sở vững chắc cho việc tăng trưởng của ETH.

Ngoài ra, ETH được ví như nguồn gốc của DeFi, khi gần như những cái tên hàng đầu của DeFi là Uniswap, MakerDAO, Sushiswap,… đều thuộc mạng lưới Ethereum. Và nếu DeFi là tương lai của thế giới, ETH sẽ là tài sản rất quan trọng vì những công dụng của nó

Giao dịch và mua bán ETH ở đâu?

Anh em có thể mua bán ETH ở các sàn giao dịch, trong Crypto sẽ có 2 loại sàn:

  • Sàn tập trung (CEX): Là sàn giao dịch có một bên thứ 3 đứng ra kiểm soát và làm cầu nối để trao đổi các tài sản crypto. Thường thì anh em phải tạo tài khoản có ID và password để đăng nhập nhằm tuần theo qui định KYC (Know your customer ) của chính phủ. Ví dụ: Binance, Huobi, Bittrex, Gate.io, Kucoin, BitMax,…
  • Sàn phi tập trung (DEX): Là sàn giao dịch được xây dựng & hoạt động một cách phi tập trung dựa trên nền tảng của blockchain. Sàn DEX khác với sàn CEX ở chỗ, người dùng có thể giao dịch, trao đổi đồng coin ngay trên ví của họ, mà không cần phải di chuyển ra ngoài, chỉ khi người dùng được cấp phép thì giao dịch mới xảy ra. Private key do người dùng nắm giữ. Ví dụ: Uniswap, Sushiswap,…

Các trang cập nhật thông tin Ethereum uy tín

Vậy làm sao để có thể đưa ra quyết định đầu tư Ethereum thật đúng đắn và chính xác? Câu trả lời là anh em cần phải liên tục cập nhật thông tin và kiến thức về thị trường. Lúc này chúng ta lại gặp một vấn đề khác là trên Internet có rất nhiều trang cung cấp thông tin, làm sao để chọn ra các nguồn thông tin mới nhất và đầy đủ nhất? Dưới đây là một số trang website Crypto uy tín:

  • Cập nhật tin tức nhanh nhất: Telegram, Twitter, Facebook.
  • Cập nhật thông tin thị trường: Coindesk, Congecko, Coinmarketcap.
  • Cung cấp thông tin nghiên cứu chuyên sâu:  Messari, The Block, Dephi Digital, Medium, Binance Research.

Lưu trữ ETH ở đâu?

Ví Ethereum là gì?

Ví Ethereum là công cụ cho phép người dùng tạo địa chỉ ví Ethereum để lưu trữ các token được phát hành trên chuỗi khối của Ethereum, bao gồm cả ETH.

Địa chỉ Ví Ethereum

Đây là một chuỗi ký tự, thông thường sẽ được bắt đầu bằng ký tự “0x” và có thể tra cứu trên công cụ Etherscan. Để truy cập vào địa chỉ ví Ethereum, bạn cần phải có chuỗi ký tự gọi là Private Key.

Private Key trên Blockchain sẽ không thay đổi được, mỗi địa chỉ ví sẽ chỉ có 1 private key cố định. Vì thế, bạn cần phải lưu giữ private key cẩn thận và không cho một ai biết được chuỗi ký tự này. Bạn cứ nghĩ đơn giản:

  • Địa chỉ ví Ethereum như là tài khoản ngân hàng.
  • Private Key chính là mật khẩu của tài khoản ngân hàng.

Ví dụ về địa chỉ ví Ethereum: 0xBE0eB53F46cd790Cd13851d5EFf43D12404d33E8 – là một trong những ví Ethereum của sàn Binance.

Bạn copy địa chỉ ví này vào Etherscan sẽ có thể tra được tất cả các lịch sử giao dịch của địa chỉ ví này.

Thông tin về lịch sử giao dịch của một địa chỉ ví Ethereum trên Etherscan

 

Các loại ví Ethereum phổ biến để lưu trữ ETH

Ví Ethereum được chia làm 4 loại phổ biến, gồm:

Paper Wallet: Đúng với tên gọi, đây là loại ví Ethereum có tất cả các thông tin quan trọng như chuỗi Private Key, Public Key và địa chỉ ví được in lên giấy. Mặc dù, có ưu điểm sẽ không bị hack hoặc biến mất khi điện thoại, thiết bị của bạn bị mất. Song, ví giấy rất khó sử dụng khi giao dịch và dễ bị hư hỏng, đốt cháy, phá huỷ.

Ví giấy lưu trữ các thông tin về địa chỉ ví và Private Key

Hardware Wallet: Đây là loại ví lưu trữ Private Key trong một thiết bị phần cứng, rất dễ sử dụng và an toàn. Muốn sử dụng ví này, người dùng cần phải dùng tiền để mua. Một số ví cứng lưu trữ Ethereum uy tín: Ledger Nano S, Ledger Nano X, Trezor, KeepKey.

Một số ví cứng trên thị trường Crypto hiện nay

Software Wallet: Đây là loại ví lưu trữ Ethereum trên ổ cứng của máy tính hay điện thoại. Dễ sử dụng nhưng cũng dễ bị hacker tấn công và không bảo mật bằng ví cứng. Một số ví phần mềm lưu trữ Ethereum uy tín:

  • Desktop: Jaxx, Coinomi, Etherwall, Exodus…
  • Mobile:  Trust WalletCoinbase WalletimToken

Web Wallet: Đây là loại ví lưu trữ trên một trang web, hoạt động như một giao diện để người dùng dễ dàng tạo và sử dụng địa chỉ ví Ethereum. Tuy nhiên, ví Web lại dựa vào các bên cung cấp, độ bảo mật không bằng ví cứng. Một số ví Web phổ biến: MyEtherWallet (hay còn gọi là ví MEW), MyCrypto, Metamask.

Tóm lại:

  • Để lưu trữ Ethereum an toàn nhất, bạn nên dùng ví cứng.
  • Để sử dụng đơn giản, nhanh gọn, bạn có thể dùng ví web hoặc ví mobile.

Lưu ý để bảo mật ETH an toàn nhất

Như bạn có thể thấy, trong các ví lưu trữ Ethereum an toàn nhất là ví cứng nhưng lại không tiện dụng. Trong khi, các loại ví mobile, web rất tiện dụng nhưng dễ bị tấn công, đánh cắp private key.

Dưới đây là một số tips về bảo mật để bạn có thể lưu trữ Ethereum một cách an toàn nhất có thể.

Back-up các thông tin quan trọng

Không lưu private key, seed phrase trên phần mềm máy tính mà bạn nên lưu offline như ghi ra giấy (ghi ra nhiều bản) và cất nó ở nơi dễ nhớ, không thể mất.

Tránh site scam

  • Kiểm tra kỹ địa chỉ website các ví Ethereum trước khi thực hiện đăng nhập vào địa chỉ ví Ethereum.
  • Không nhấp vào quảng cáo search trên google tránh bị vào website giả mạo.
  • Trước khi thực hiện giao dịch luôn kiểm tra kỹ địa chỉ mà bạn chuyển tiền đến. Một khi chuyển đi rồi thì không có cách gì khiến giao dịch ngừng hoặc trở lại.

Tránh bị hack, keylog, virus

  • Không đăng nhập vào địa chỉ ví Ethereum bằng WiFi công cộng như các quán cafe, trà sữa, khách sạn…
  • Không truy cập vào những website, đường link lạ tránh bị keylock, virus.
  • Luôn sử dụng bảo mật Two-Factor Authenticator (2FA) cho ứng dụng ví Ethereum.

Lời Kết

Như vậy là chúng ta đã nắm được Ethereum là gì và tất cả các thông tin về đồng coin ETH. Hy vọng từ những thông tin đã được cung cấp ở trong bài viết, bạn có thể tự mình nhận ra về cơ hội lẫn rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư Ethereum, ETH.

– St –

Những điều về Ethereum có thể bạn chưa biết!

One thought on “Những điều về Ethereum có thể bạn chưa biết!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Gọi ngay
icons8-exercise-96 chat-active-icon
chat-active-icon