Trong bản chất con người tồn tại một điều phổ biến đó là không muốn nhìn thấy người khác tốt đẹp. Thế nhưng, họ đâu biết rằng, lòng đố kỵ chính là rào cản trên bước đường đi đến thành công của họ.
“Định luật con cua” hàm chứa triết lý đáng suy ngẫm
Nếu bạn đã từng đi mò cua, bắt ốc sẽ nhận ra rằng, nếu như bỏ một con cua vào trong giỏ tre, thì cần phải đậy nắp giỏ lại, nếu không con cua sẽ bò ra ngoài.
Tuy nhiên, sau khi bạn câu được thêm mấy con cho vào trong giỏ, thì không cần phải đậy nắp giỏ lại nữa, lúc này cho dù con cua có vùng vẫy kiểu gì cũng không thể bò ra ngoài được. Đó là bởi vì khi có trên hai con cua ở bên trong cái giỏ tre, mỗi một con đều tranh giành bò về phía lối ra.
Chỉ cần một con cua bò đến miệng của chiếc giỏ tre, ngay lập tức những con cua còn lại sẽ dùng cái càng của chúng để kẹp chặt con cua đó, sau đó kéo nó xuống phía dưới cùng, để cho con khác leo lên người nó mà bò lên phía trên. Cứ như vậy, cuối cùng không có một con cua nào có thể tẩu thoát thành công.
Đây chính là định luật con cua hàm chứa triết lý đáng suy ngẫm. Trong xã hội hiện đại, đây cũng là tâm thái của rất nhiều người. Vì bản thân không hạnh phúc nên muốn người khác sống không hạnh phúc. Bản thân không thể trèo lên trên cao nên nhất định phải kéo người khác xuống, khiến người khác cũng không thể nào trèo lên cao được.
Trong bản chất con người tồn tại một điều phổ biến đó là không muốn nhìn thấy người khác tốt đẹp. Thế nhưng, họ đâu biết rằng, lòng đố kỵ chính là rào cản trên bước đường đi đến thành công của họ.
Con người càng ở tầng lớp xã hội thấp càng hay đố kỵ
Con người ở tầng lớp xã hội thấp, bởi vì bản thân không tốt đẹp, nên không muốn người khác tốt đẹp. Họ thích vu khống, đố kỵ, vạch trần đối phương.
Vì không muốn người khác có cuộc sống tốt hơn họ nên họ nhất định tìm mọi cách giẫm đạp lên người khác để thỏa mãn sự yếu đuối và tâm hư vinh của bản thân.
Keigo Higashino đã từng viết như thế này trong cuốn tiểu thuyết trinh thám “Ác ý” (Akui) của mình:
“Tớ hận cậu thực hiện mơ ước của tớ trước tiên, tớ hận cậu có cuộc sống tốt hơn tớ, tớ hận cậu lúc đầu chẳng ra gì mà bây giờ lại có tương lai sáng lạn như vậy.
Tớ cũng hận sự hèn yếu của bản thân, tớ hận mình không có đủ may mắn, không đủ tài năng.
Tớ đem hết toàn bộ oán hận của mình cho cậu, dùng toàn bộ để hận cậu”.
Người hay đố kỵ với người khác, càng sống càng làm hạn hẹp con đường phía trước của mình mà thôi, cũng chính là tự thân làm hại thân vậy.
Đố kỵ hại người cũng là hại mình
Một người đàn ông sống khá hòa thuận với hàng xóm xung quanh.Thế nhưng chỉ vì một lần tranh chấp chuyện nhỏ mà đôi bên mâu thuẫn, dần trở nên xa cách.
Một hôm, anh ta gặp được một vị Thần tiên, Thần tiên kéo anh ta ra một góc và nói với anh ta rằng: “Cậu có điều ước gì đều có thể nói ra, ta sẽ giúp cậu được thỏa mãn, nhưng bất luận cậu ước điều ước gì, người hàng xóm của cậu đều sẽ nhận được gấp đôi”.
Nghe thấy vậy, trong lòng người đàn ông có sự nhẩm tính: “Nếu như mình muốn có một căn nhà, hàng xóm của mình sẽ có được hai căn, nếu mình muốn có 100 triệu, hàng xóm của mình sẽ có được 200 triệu. Nếu cứ như vậy làm sao được, anh ta làm sao có thể sống tốt hơn mình được chứ!”
Nghĩ như vậy, anh ta liền vội vàng đưa ra điều ước của mình với Thần tiên: “Tôi muốn ngài làm hỏng một con mắt của tôi!”
Đố kỵ người khác có cuộc sống tốt hơn mình, muốn nghĩ cách để phá hoại, cuối cùng người bị tổn hại lại chính là bản thân mình.
Có một câu ngạn ngữ nói như thế này: “Người yêu thích hoa tươi, luôn có thể ngửi được mùi thơm của hoa; người lén lút trồng gai, cuối cùng cũng sẽ bị gai đâm”.
Đời người không phải là một cuộc đua nhất định phải phân rõ thắng thua, mỗi người đều có đường đua riêng của chính mình.
Nếu không thể chấp nhận người khác có cuộc sống tốt đẹp, thì người bị hủy hoại đầu tiên luôn là chính mình. Người thật lòng muốn tốt cho người khác, sẽ nhận được sự ban thưởng của vận mệnh.
Người càng xuất sắc thì càng biết nâng đỡ nhau
Về mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống, có một câu tục ngữ nói rất hay: “Những người xuất sắc nâng đỡ nhau, những kẻ ngu xuẩn giẫm đạp nhau”.
Người càng xuất sắc, tầng lớp xã hội càng cao thì càng biết cách nâng đỡ nhau. Họ biết giúp người, coi niềm vui, hạnh phúc và sự thành công của người khác là của chính mình.
Một câu chuyện ngụ ngôn khá ý nghĩa: Thanh niên hỏi thượng đế liệu thiên đường và địa ngục có gì khác biệt. Sau đó, anh ta được thượng đế dẫn đi tham quan một vòng.
Bên trong địa ngục là cảnh tượng, một nhóm người đang ngồi vây quanh dưới một ánh sáng mờ nhạt. Dù có trong tay cái muỗng dài nhưng vì cán muỗng quá dài mà họ không thể nào dùng nó để múc tô súp trước mặt rồi đưa vào miệng. Họ chỉ có thể mở to mắt ra nhìn tay chân mình lóng ngóng mà thôi. Đói đến mức gầy trơ xương, chỉ còn một hơi thở thoi thóp mà cũng không uống được một ngụm súp.
Còn trên thiên đường thì cảnh tượng ngược lại. Mỗi người cầm trong tay một cái muỗng dài. Nhưng họ lại dùng chiếc muỗng dài đó múc nước súp đưa vào miệng của người đối diện, mỗi người đều được chia nước súp để uống. Chính vì thế, trên thiên đường, người nào cũng đều được ăn no, khuôn mặt hồng hào, vô cùng thỏa mãn.
Người có trí tuệ thật sự đều hiểu được rằng nâng đỡ lẫn nhau mới chính là sự tác thành lớn nhất. Không ai có thể tự cảm thấy thỏa mãn khi sống cô độc ở một hòn đảo hoang.
Con người sống ở đời, nên có sự giúp đỡ qua lại, cùng nối cầu cho nhau, thì mới có thể có một lối đi khang trang rộng rãi.
Một người có tâm địa lương thiện, luôn biết giúp đỡ người khác chính là bậc trí giả, biết rõ đạo lý “nhiều người gom củi ngọn lửa bốc cao”.
Người có lòng đố kỵ chuyện gì cũng không muốn người khác được tốt đẹp chính là một kẻ hèn kém, đi đến đâu cũng đều là địa ngục.
Con người nếu biết buông bỏ đi lòng đố kỵ, sự ganh ghét, giúp đỡ và mong muốn người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng chính là cách giúp cuộc sống của bản thân lên một nấc thang cao hơn.
-St